Ngày 23/4/2024, tại trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), Hội thảo Giáo dục thông minh lần thứ 6 và Hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu đào tạo trực tuyến của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tổ chức thành công tốt đẹp.
Sự kiện quy tụ 800 đại biểu, với sự hiện diện của ông Ngô Yến – Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, cùng hiệu trưởng các trường đại học, giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số trong giáo dục và trí tuệ nhân tạo, đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,… Trong đó, đoàn công tác của ĐHQG-HCM gồm PGS.TS. Hồ Quốc Bằng – Phó trưởng ban Ban đào tạo ĐHQG-HCM, Viện trưởng Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM (VNU-ILEAD), PGS.TS. Phạm Trần Vũ – Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa và PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Hội nghị tập trung vào thảo luận về tác động chính của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quá trình chuyển đổi số của giáo dục đại học và triển khai mạnh mẽ việc phát triển các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC). Ngài thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết: “Mục tiêu là tập hợp đội ngũ giảng viên tinh túy và công nghệ mới như AI để sản xuất các bài giảng trực tuyến như MOOC để sinh viên, giảng viên .. có thể học mọi lúc mọi nơi, đáp ứng nhu cầu học tập của con người và đòi hỏi của thời đại công nghiệp hiện nay”
Việc ứng dụng AI vào trong phát triển MOOC sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người học: ví dụ như phân tích lớp học, cá thể hóa người học để hỗ trợ đúng lúc, tăng cường sự tham gia của người học, hỗ trợ ngôn ngữ…
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Phó Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, Viện trưởng Viện VNU-ILEAD, dự kiến trong năm 2024, ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành 8 môn học MOOC.
– tin bài Thanh Xuân –