image

image

» Tin tức » 67% DOANH NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TẠI ĐÔNG NAM BỘ ƯU TIÊN TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TỐT NGHIỆP TỪ ĐHQG-HCM

67% DOANH NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TẠI ĐÔNG NAM BỘ ƯU TIÊN TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TỐT NGHIỆP TỪ ĐHQG-HCM

24.12.2023

Thông tin này được PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM, đưa ra tại Hội nghị Thường niên ĐHQG-HCM năm 2023. Hội nghị do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 22/12.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng trình bày kết quả khảo sát thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động của 4 tỉnh, thành Đông Nam bộ. Ảnh: THIỆN THÔNG

Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, kết quả khảo sát thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động của gần 1.800 doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 4 tỉnh, thành Đông Nam bộ cho thấy 67% đơn vị sử dụng lao động (ĐVSDLĐ) này đều ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQG-HCM. Trong đó, nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách Khoa được ưu tiên tuyển dụng cao nhất.

Điều này tương ứng với nhu cầu tuyển dụng của các ĐVSDLĐ tại Đông Nam bộ trong 3 năm 2020-2022. Cụ thể, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có xu hướng tuyển dụng nhân sự nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật (hơn 15 ngàn nhân sự/3 năm). Tiếp đến là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, sản xuất – chế biến, kinh doanh và quản lý có trung bình số lượng nhân sự được tuyển dụng mới từ 10.000 đến trên 11.000 nhân sự cho mỗi lĩnh vực.

Ông Bằng lưu ý, trong 3 năm tiếp theo (2023-2025), hoạt động tuyển dụng nhân sự của các địa phương này có xu hướng giảm.

Theo đó, so với giai đoạn 2020-2022, kiến trúc, xây dựng và dịch vụ xã hội là những lĩnh vực giảm nhu cầu tuyển dụng mạnh nhất (trên 30%). Tiếp đến là các lĩnh vực nghệ thuật; toán và thống kê; công nghệ kỹ thuật; nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (giảm trên 20%).

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; pháp luật và thú y có xu hướng tăng nhẹ.

“Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ĐVSDLĐ tại 4 địa phương Đông Nam bộ vẫn chủ yếu tập trung ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật; công nghệ kỹ thuật; sản xuất và chế biến; kinh doanh và quản lý; máy tính, công nghệ thông tin và sức khỏe” – PGS.TS Hồ Quốc Bằng đánh giá.

Đề cập mức lương khởi điểm, Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM cho biết phần lớn các ĐVSDLĐ đề xuất cho các ứng viên trình độ đại học chủ yếu 5-10 triệu đồng/tháng. Mức lương 10-30 triệu đồng/tháng sẽ dành cho nhân sự đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho rằng để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không sử dụng được, gây lãng phí nguồn lực của xã hội, Nhà nước cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp (nhu cầu) và cơ sở đào tạo đại học (nguồn cung) để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.

Đồng thời, ĐHQG-HCM cần kiến nghị các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ nghiên cứu sâu cho từng địa phương về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm dự báo và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực.

tin bài ĐHQG-HCM