Không ít các bạn học sinh, sinh viên theo học một ngôn ngữ mới đều lo ngại về cách phát âm và khả năng nói của mình. Có bạn thì ngại nói vì sợ sai, có bạn thì lại tự tin hơn vì vốn tự vựng phong phú nhưng lại khá tự ti về giọng điệu rất ư là ‘lai Việt’ của mình. Do vậy, để nâng cao kỹ năng giao tiếp cho các bạn, việc học cách nhấn trọng âm và luyện nói với ngữ điệu là một điều rất quan trọng. Chúng không những giúp truyền tải chính xác cảm xúc của người nói, mà còn giúp người nghe dễ dàng bắt nhịp cuộc trò chuyện cũng như hiểu được ý bạn muốn diễn đạt hơn.
Đọc đến đây chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ lý thuyết thì là như vậy, nhưng trên thực tế thì đa số mọi người đều giao tiếp ngoại ngữ mà không cần ngữ điệu và trọng âm đó thôi. Người nước ngoài vẫn có thể hiểu thông qua việc đoán ý hoặc đọc ngôn ngữ cơ thể, vậy tại sao chúng ta lại phải cố gắng học cách nhấn âm và phát âm đúng giọng này giọng kia để làm gì?
(Ảnh: My Broadband)
Các bạn hãy suy nghĩ lại những trường hợp khi người nước ngoài nói tiếng Việt, họ cũng không ít lần đọc giọng ngang và không thể hiện được các thanh điệu còn lại của tiếng Việt là huyền, sắc, hỏi, ngã và nặng. Ví dụ như “cá” thì đọc thành “ca” hoặc “cà”, còn câu “bạn khỏe không?” thì biến thành “ban khoe khong?” khiến người Việt chúng ta nghe rất khó hiểu. Bởi chỉ cần phát âm sai dấu/ nhấn trọng âm sai chỗ là các câu từ sẽ lập tức bị chuyển thành nghĩa khác. Từ đó, chúng ta đã vô tình tạo ra một rào cản ngôn ngữ mà bản thân có thể tránh được từ ngay lúc đầu.
Việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ này không hề khó, nhưng cũng không phải quá dễ dàng. Theo nhận định cá nhân mình thì sẽ chỉ có vài cách học hiệu quả, nhưng quan trọng hơn hết chính là sự kiên trì, cũng như lòng quyết tâm trong suốt khoảng thời gian rèn luyện. Tùy vào khả năng của từng người mà quá trình này có thể kéo dài đến hơn 1 năm.
Nghe các kênh có kiểu ngữ âm ngữ điệu mà bạn muốn học
Một trong những cách để các bạn có thể nhanh chóng tiếp nhận một ngôn ngữ mới là lắng nghe người bản xứ nói. Tùy vào ngữ điệu bạn muốn học mà các kênh luyện nghe và học nói sẽ khá khác nhau. Ví dụ như đài CNN, Fox, Disney Channel đa số sẽ nói giọng Mỹ, trong khi BBC News, BBC Earth và British Council sẽ phát tiếng Anh giọng Anh. Còn đối với các bạn muốn học tiếng Anh giọng Úc thì đài ABC sẽ phù hợp hơn, và cũng có rất nhiều YouTubers người Úc cho các bạn theo dõi và học hỏi. Nhưng phương pháp này sẽ chỉ hiệu quả khi bạn lắng nghe mỗi ngày, và biến nó thành thói quen như việc xem truyền hình và các videos tiếng Việt vậy. Nói một cách nôm na là nó khá giống với việc bạn sinh ra và lớn lên ở môi trường nào, thì sẽ có giọng miền đó nhiều hơn do cường độ tiếp xúc cao.
(Ảnh: Learntalk)
Sử dụng ứng dụng dạy phát âm
Trong trường hợp các kênh nêu trên nói quá nhanh và bạn không thể bắt kịp nhịp độ cũng như từ ngữ họ sử dụng để tự học, thì các ứng dụng dạy phát âm sẽ là sự khởi đầu tốt hơn cho bạn. Bản thân mình dùng Dict Box (English Vietnamese) vì app này có hẳn một phần phát âm đa dạng. Nó bao gồm phát âm giọng Anh, giọng Úc và giọng Mỹ. Mặc dù là robot phát âm nhưng ngữ điệu và cách đọc có nhấn trọng âm rất giống như người bản xứ tiêu biểu. Các bạn có thể tham khảo cách phát âm đó và cố gắng lặp lại một cách giống nhất có thể. Bắt đầu việc luyện tập giọng với các từ vựng ngắn, sau đó thành câu dài hơn. Nếu được, các bạn hãy ghi âm lại để bản thân có thể so sánh và phân tích được những chỗ sai cần chỉnh sửa của mình.
Học trực tiếp từ người bản xứ
Nhiều bạn có xu hướng giao tiếp với người bản xứ chỉ để bản thân làm quen với việc nói thành câu, nhưng bạn hãy thử chú ý hơn vào ngữ điệu và cách nhấn trọng âm của họ để cố gắng giao tiếp với họ bằng ngữ điệu giống như vậy. Hành động này sẽ giúp bạn dễ dàng chỉnh sửa giọng Việt khi nói tiếng Anh của mình ngay từ những ngày đầu tập nói. Không những vậy, bạn cũng sẽ nhanh chóng làm quen được với ngữ âm và ngữ điệu khi giao tiếp của người bản xứ, hỗ trợ việc cải thiện phần nào kỹ năng nghe hiểu của bản thân. Các bạn có thể hình dung một cách đơn giản là việc này giống như cách ta học nói giọng miền Bắc, miền Trung – có nhịp điệu lên xuống và nhấn âm rõ ràng hơn đa số người dân miền Nam.
(Ảnh: English-Language Thoughts)
ĐH