(Ảnh: Clockify)
Đối với học sinh/sinh viên thì việc ghi nhớ thông tin chính xác là rất cần thiết bởi các bạn sẽ luôn phải đối mặt với vô số bài kiểm tra, thi cử, đòi hỏi một trí nhớ tốt để học thuộc những phần lý thuyết dài dòng. Từng là sinh viên trong hoàn cảnh tương tự, mình đã thử áp dụng nhiều phương pháp ghi nhớ khác nhau để tìm ra cách học phù hợp nhất, cũng như hiểu được phần nào những ưu điểm và nhược điểm của từng loại.
Flashcard – thẻ ghi nhớ
Một trong những phương pháp ghi nhớ thông tin được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhất là Flashcard. Việc chia nhỏ các mẫu thông tin ra và ghi lên từng chiếc thẻ đa phần sẽ giúp bạn tiếp nhận và lưu trữ thông tin dễ dàng hơn. Nhưng khi có quá nhiều dữ liệu trên một thẻ thì nó sẽ bị phản tác dụng. Quá nhiều thông tin sẽ khiến bạn bị lẫn lộn nhiều mảng kiến thức với nhau, giảm độ ghi nhớ chính xác cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích cá nhân. Do đó, bản thân mình chỉ sử dụng Flashcard cho các định nghĩa ngắn, hoặc các công thức tính cần phải học thuộc mà thôi.
Mind map – bản đồ tư duy
Phương pháp ghi nhớ Mind map luôn được thầy cô và các bạn học sinh lan truyền mạnh mẽ. Ưu điểm ‘All in 1’ của Mind map giúp kết nối các mẫu thông tin với nhau, hỗ trợ việc liên hệ các dữ kiện trong quá trình nghiên cứu và học tập. Nhưng theo nhận định cá nhân thì phương pháp này chứa quá nhiều thông tin trong cùng một chỗ, làm cho bản thân mình cảm thấy khá rối mắt và khó để tập trung ghi nhớ được hết tất cả các nhánh trong bản đồ. Do vậy, khi muốn ôn tập một chapter nào đó, mình sẽ chia ra từng unit nhỏ hơn để tạo một bản đồ tư duy mini riêng, tránh bị rối khi nhìn vào.
(Ảnh: Scouts UK)
Mnemonic – ghi nhớ chữ cái đầu của một chuỗi thông tin
Với phương pháp này, bạn có thể dễ dàng sử dụng những chữ cái đầu của một chuỗi thông tin bạn đang cần học thuộc để tạo thành một từ có nghĩa, hoặc một câu diễn tả ngắn gọn chẳng hạn. Mặc dù cách này có thể giúp bạn gợi nhớ được nội dung của nhiều chuỗi kiến thức khác nhau, nhưng khi bạn sử dụng quá nhiều lần thì rất dễ bị quên đi phần nội dung, và chỉ nhớ được mỗi từ/câu diễn tả do chính bạn tạo thành. Để tránh trường hợp này xảy ra, kế những chữ cái đầu in hoa mình sẽ viết thông tin liên quan bằng chữ nhỏ hơn, rồi dùng bút dạ quang để highlight hoặc bút chì để khoanh tròn chúng. Đối với mình, động tác này giúp tạo một ký ức tách rời của mảnh kiến thức đó và tăng khả năng gợi nhớ thông tin.
Photographic memory – ghi nhớ hình ảnh trong đầu
Phương pháp này đòi hỏi bạn phải vận dụng trí nhớ hình ảnh của mình để nhớ lại thông tin đã ghi chép. Nghe thì có vẻ khá “siêu nhiên” nhưng điều này hoàn toàn có thể nếu bạn thật sự chú ý vào nó như một bức ảnh và tập trung học những dòng nội dung đó. Tuy nhiên, để phát huy tối đa khả năng này bạn nên kết hợp nó với một trong những phương pháp ghi nhớ khác, giúp củng cố và gợi nhớ các kiến thức từng học một cách nhanh chóng hơn. Các bạn có thể thử sức ngay với hình cung cấp ở trên về những hành tinh và tên gọi bằng tiếng Anh của chúng.
Memory palace – lâu đài ký ức
Khái niệm này có lẽ sẽ khá mới mẻ với nhiều bạn học sinh/sinh viên do ít được truyền miệng và giới thiệu rộng rãi như các phương pháp ghi nhớ khác. Memory palace nhấn mạnh sự liên kết thông tin giữa một mảnh kiến thức với một địa điểm quen thuộc. Đối với những bạn chưa quen thì phương pháp này hơi trừu tượng, và bạn sẽ phải tốn kha khá thời gian khi muốn khôi phục thông tin để bắt đầu làm bài. Nhưng nếu bạn có thể làm quen được với cách ghi nhớ này, nó sẽ rất hữu ích trong việc tránh nhầm lẫn thông tin. Phương pháp ghi nhớ này cũng giống như việc bạn đi ăn vặt với hội chiến hữu và phát hiện ra chỗ đó chỉ bán bò bía là ngon nhất.
(Ảnh: Advertisement Feature)
ĐH